Lễ tiết trong một năm thường có: Tết Nguyên Đán, lễ Thượng Nguyên, lễ các Tổ nghề (tháng 2 âm lịch), tiết thanh minh (tháng 3 âm lịch), Tết Hàn Thực (ngày 3 tháng 3), Tết Đoan Ngọ (ngày mùng 5 tháng 5), lễ Thất Tịch (ngày 7 tháng 7), Lễ Trung Nguyên (ngày 15 tháng 7), tết Trung Thu (ngày 15 tháng 8), lễ Trùng Cửu (ngày 9 tháng 9), lễ Trùng Thập (ngày 10 tháng 10). Còn tháng 11 và tháng Chạp thời tiết khô ráo thường xây sửa mộ, bốc mộ, lễ Khổng Tử, danh y, lễ hiến xảo, lễ Thần Tài.
Tết Nguyên Đán là tết đầu năm (Nguyên là bắt đầu một năm, Đán là buổi sớm) mở đầu cho một năm mới. Tết được mở đầu tử ngày 1 tháng giêng. Tháng giêng là tháng Dần. Đây là tháng vừa hết mùa đông giá lạnh, mở đầu cho mùa xuân ấm áp, cây cỏ đâm chồi nảy lộc, trăm hoa đua nở, lòng người phấn chấn hy vọng một mùa xuân mới với những thành công và thắng lợi mới.
Trong sách sử cũ cho biết từ đời nhà Hạ ở Trung Quốc (từ 2205 trước Công Nguyên (TCN) đến 1766 TCN) đã chọn tháng Giêng, tháng đầu trong năm là tháng Dần. Tuy về sau, các đời Ân, Chu, Tần Thủy Hoàng lại thay đổi nhưng đến đời Hán Vũ Đế (140 TCN) vẫn chọn tháng đầu năm là tháng Dần như nhà Hạ và được duy trì đến ngày nay.
Nhân dân Việt Nam chọn tết Nguyên Đán là lễ tiết quan trọng nhất trong năm và đã trải qua hàng ngàn năm được duy trì như ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, tết Nguyên Đán đã trở thành niềm vui của cả dân tộc. Mọi tầng lớp, mọi độ tuổi trong xã hội, dù giàu có hay nghèo túng, bình dân đều coi tết Nguyên Đán là sinh hoạt văn hóa không thể thiết trong năm.
Tết đến, mọi con đường xóm ngõ, nhà cửa được quét dọn sạch sẽ. Từ các vật dụng trong nhà, nồi niêu bát đũa cũng được lau chùi, cọ rửa chu đáo để đón chào một năm mới cho may mắn. Người giàu có dư thừa thì vui vẻ đón Tết sao cho may mắn. Người nghèo túng cũng cố trả hết nợ nần để tâm hồn thanh thản, có ít vui ít, có nhiều vui nhiều, mọi người đều lo lắng chuẩn bị cho một mùa xuân mới với tràn đầy niềm hy vọng mới. Do vậy từ giàu đến nghèo đều cố tạo một diện mạo ngày xuân tươi vui sau một năm lao động vất vả.
Trong ngày tết, người thân được sum họp, chia sẻ nỗi vui, buồn trong năm. Bạn bè được gặp gỡ tay bắt mặt mừng chúc nhau một năm mới thành đạt được thắng lợi mới. Đây còn là cơ hội để đền ơn đáp nghĩa, ôn cô tri tân và dưới mái đình, mái chùa, từ đường dòng họ, bên cạnh bàn thờ Gia tiên mọi nỗi lòng được cởi mở, mọi tâm niệm đối với Phật, Thánh, Gia thần, Gia tiên được bộc lộ để đạt được ước nguyện một năm mới công tác tiến bộ, buôn bán đắt hàng, sức khỏe dồi dào, cuộc sống hạnh phúc, mùa màng bội thu, hy vọng “phú, quý, thọ khang, ninh”.
Theo tục lệ cổ truyền của dân tộc ta thì tết nguyên đán phải kể từ chiều 23 tháng chạp. Đây là ngày ông Táo phải lên chầu trời để trình với Ngọc Hoàng thượng đế về mọi hành vi của gia chủ, vì thế có tục tiễn chân ông Táo chầu Trời.
thocung.net-theo Nghi lễ thờ cúng tại nhà (Nguyễn Quốc Thái biên soạn)