Nguồn gốc và bản chất của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

Thờ cúng tổ tiên là một hiện tượng mang tính lịch sử – xã hội, tồn tại phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Mặt tốt của hiện tượng này là ở chỗ, nó nhắc thế hệ những người đang sống phải nhớ đến nguồn, “ăn quả nhớ người trồng cây”, biết kính trọng, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ lúc sinh thời và thờ phụng khi mất. Sự thanh cao, tinh khiết của nó đã trở thành đạo lý, lẽ sống, trở thành nét đẹp trong truyền thống văn hoá của nhiều dân tộc. Song, nó cũng là sự phiền toái, nặng nề khi mang màu sắc mê tín, dị đoan, vụ lợi. Trong lịch sử và trong cuộc sông hiện tại, nó đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của con người. Các học giả trong nước và ngoài nước đã có nhiều ý kiến xung quanh hiện tượng thờ cúng tố tiên này. Đây là một loại hình tín ngưỡng hay tôn giáo? hay chỉ là một tập tục, thói quen, một hoạt động mang tính văn hoá, đạo đức?… Để có cơ sở khoa học đánh giá hiện tượng này, cần phải làm rõ nguồn gốc và bản chất của nó.

Trước hết, chúng ta hãy làm rõ nội hàm của khái niệm tổ tiên và thờ cúng tổ tiên.
Tổ tiên là khái niệm dùng để chỉ những người có cùng huyết thống nhưng đã mất như cụ, kỵ, ông, bà, cha, mẹ… – những người đã có công sinh thành và nuôi dưỡng, có ảnh hưởng lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của thế hệ những người đang sống.

Tổ tiên trong xã hội nguyên thuỷ có nguồn gốc là tổ tiên tôtem giáo của thị tộc bộ lạc. Tổ tiên tôtem giáo thời kỳ thị tộc mẫu hệ là những vật trong tự nhiên, có mối quan hệ mật thiết với con người và khi được thần thánh, thiêng liêng hoá thì được coi là tôtem (vật tổ) của thị tộc, bộ lạc. Thời kỳ thị tộc phụ hệ, tổ tiên là những người đứng đầu thị tộc, bộ lạc như tù trưởng, thủ lĩnh quân sự… đầy quyền uy.

Tổ tiên trong xã hội có giai cấp được thể hiện đầy đủ hơn. Họ thường là những người giữ địa vị chủ gia đình, gia tộc đã mất, có quyền thừa kế và di chúc tài sản được luật pháp và xã hội thừa nhận.

Trong quá trình phát triển của lịch sử, khái niệm tổ tiên cũng có sự biến đổi, phát triển. Nó không còn chỉ bó hẹp trong phạm vi huyết thống – gia đình, họ tộc… mà đã mở rộng ra phạm vi cộng đồng, xã hội. Sự hình thành và phát triển của các quốc gia, dân tộc thường gắn liền với tên tuổi của những người có công tạo dựng, giữ gìn cuộc sống của cộng đồng. Họ là những anh hùng, danh nhân mà khi sống được tôn sùng, kính nể, khi mất được tưởng nhớ, thờ phụng trong các không gian tôn giáo. Ở Việt Nam, họ là những tổ sư tổ nghề, thành hoàng làng, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá…

Thờ cúng tổ tiên là hoạt động có ý thức của con người, là tổng thể phức hợp của ý thức về tổ tiên, biểu tượng về tổ tiên và nghi lễ thờ phụng.

Thờ là yếu tố thuộc ý thức về tổ tiên, là tình cảm biết ơn, tưởng nhớ, hướng về cội nguồn, quá khứ. Thờ tổ tiên là sự thể hiện lòng thành kính, biết ơn, tưởng nhớ tổ tiên, đồng thời cũng là sự thể hiện niềm tin vào sự che chở, bảo hộ, trợ giúp của tổ tiên. Cơ sở của sự hình thành ý thức về tổ tiên là niềm tin về linh hồn tổ tiên còn sống, có thể che chở, phù hộ độ trì cho con cháu. Biểu tượng về tổ tiên là hình ảnh về những người tài giỏi, có công, có đức. Trên bàn thờ tổ tiên thường có bài vị, tượng, ảnh được bày đặt cầu kỳ, trang trọng.

Cúng là yếu tố mang tính nghi lễ, là sự thực hành một loạt động tác (khấn, vái, quì, lạy ) của người gia trưởng, tộc trưởng. Đó là hoạt động dưới dạng hành lễ và được qui định bởi quan niệm, phong tục, tập quán của mỗi cộng đồng, dân tộc. Thờ và cúng là hai yếu tố có tác động qua lại và tạo nên chỉnh thể riêng biệt – đó là sự thờ phụng tổ tiên . Sự “thờ”, “tôn thờ” là nội dung, còn hoạt động cúng” là hình thức biểu đạt của nội dung thờ cúng.Ý thức tôn thờ, thành kính, biết ơn, tưởng nhớ, hy vọng sự trợ giúp của tổ tiên là nội dung cốt lõi, là cái chủ yếu khiến sự thờ phụng tổ tiên thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Nếu không có “nhờ” mà chỉ có “cúng” thì sự thờ phụng tổ tiên không có “hồn thiêng”, không có sức hấp dẫn nội tại dễ thành nhạt nhẽo và do vậy, không thể là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Sự “cúng” tuy chỉ là hình thức biểu đạt, song nó tôn vẻ linh thiêng, huyền bí, mờ ảo và tạo nên sức hấp dẫn. Nó chính là chất kết dính, tạo nên màu sắc thoả mãn niềm tin của chủ thể thờ cúng.

Trong xã hội nguyên thuỷ, ý thức về tổ tiên là một yếu tố của ý thức xã hội nguyên thuỷ, phản ánh sự bất lực của con người trước sức mạnh của tự nhiên.

Về sau, cùng với lực lượng tự nhiên là lực lượng mang tính xã hội, như sự áp bức, bóc lột giai cấp… luôn thống trị lên cuộc sống hàng ngày của con người. Bế tắc trong cuộc sống hiện thực, con người tìm sự giải thoát trong cuộc sống tinh thần. Cùng với các biểu tượng về thần linh, biểu tượng về tôtem đã xuất hiện trong thời kỳ thị tộc mẫu hệ. Đặc điểm chủ yếu của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong thời kỳ này là việc thờ tổ tiên tôtem giáo.

Sang thời kỳ thị tộc phụ hệ, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên phản ánh sự thay đổi trong phân công lao động xã hội. Người đàn ông giữ vai trò chủ đạo trong đời sống kinh tế. Họ là những người vừa có quyền lực thế tục, vữa có uy tín, được quyền nắm giữ việc thờ cúng các thần, trong đó có tổ tiên đã chết. Đối tượng thờ cúng thời kỳ này được chuyển từ tổ tiên tôtem sang tổ tiên thật, cùng huyết thống đã chết.

Như vậy, có thể xem nguồn gốc xã hội sâu xa mang tính khách quan của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là ở tính hạn chế của lực lượng sản xuất và kèm theo đó là sự hạn chế, tù túng trong quan hệ kép giữa con người với tự nhiên và giữa con người với con người trong xã hội. Còn nguồn gốc trực tiếp, mang tính xã hội của nó là sự phân hoá xã hội mà hệ quả của sự phân hoá ấy là việc đề cao vai trò của người đứng đầu trong gia đình – thị tộc. Những người này, dựa vào uy tín của mình để củng cố và thiêng liêng hoá sự thờ cúng tổ tiên đã có manh nha trong thời kỳ thị tộc mẫu quyền. Trong xã hội có giai cấp, sự áp bức, bóc lột giai cấp, sự bất công xã hội đã khiến cho con người không có lối thoát hiện thực phải đi tìm sự trợ giúp của tổ tiên cũng là những nguồn gốc xã hội quan trọng làm nảy sinh tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Cùng với đó nhận thức của con người cũng là một nguồn gốc quan trọng trong quá trình hình thành và tồn tại của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Người nguyên thuỷ tin rằng con người sau khi chết, linh hồn vẫn tiếp tục sống. Ý niệm về linh hồn là một trong những yếu tố cơ bản nằm trong các phức hợp, biểu tượng về tổ tiên và là một đặc trưng của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Một yếu tố tư tưởng khác, có phần xa xưa hơn với ý niệm về linh hồn, có ảnh hưởng tới sự phát triển các biểu tượng về tổ tiên là hình ảnh tổ tiên tôtem giáo, hình ảnh thần che chở cho gia đình, thị tộc.

Nguồn gốc nhận thức luận của tôn giáo, như Ph.Ăng ghen đã chỉ rõ, “tôn giáo sinh ra trong một thời đại hết sức nguyên thuỷ, từ những khái niệm hết sức sai lầm, nguyên thuỷ của con người về bản chất của chính họ và về giới tự nhiên bên ngoài, xung quanh họ”(1), cũng đúng với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Tư tưởng tôn thờ tổ tiên được xây dựng trên những vật liệu là những quan niệm, nhận thức ấu trĩ , thơ ngây về linh hồn người chết, về tổ tiên tôtem giáo, về các thần che chở cho gia đình, thị tộc. Thêm vào đó, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn được hình thành trên cơ sở tâm lý, tình cảm mang tính tôn giáo của cá nhân, cộng đồng người trong xã hội.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được hình thành trên cơ sở niềm tin vào sự bất tử của linh hồn tổ tiên. Niềm tin ấy bắt nguồn từ ước muốn mang tính bản năng – ước muốn trường thọ của con người. Chính con người đã thiêng liêng hoá tình cảm thương, thái độ kính trọng người có công tạo dựng cuộc sống. Trong cuộc sống, con người không những chỉ tiếp xúc với cái hiện hữu, mà còn tiếp xúc với cái vô hình, trừu tượng, mông lung, chỉ được con người cảm nhận, linh cảm chứ không thể lý giải được bằng lý trí. Niềm tin vào sự hiện tồn của tổ tiên góp phần cân bằng trạng thái tâm lý, nhiều khi còn là cứu cánh, là sự giải toả nỗi cô đơn, bất hạnh của con người trước cái chết. Bằng nghi lễ thờ cúng tổ tiên, con người thể hiện một cách suy nghĩ về cái chết và cuộc sống sau khi chết, giải toả nỗi kinh sợ khi phải đối mặt với nó.

Trong chế độ phụ quyền, quyền hành của gia trưởng, tộc trưởng còn làm phát sinh ở con cháu cảm giác sợ hãi, qui thuận. Cảm giác này được nuôi dưỡng, di truyền thông qua các thế hệ và thậm chí được chuyển sang thế giới bên kia với quan niệm rằng, người chết vẫn có thể trừng phạt con cháu. Tổ tiên cũng giống như các vị thần linh khác có thể giáng tai hoạ xuống con cháu, vì thế cần phải kính trọng, thờ cúng thường xuyên thì tổ tiên mới không làm hại, mới che chở, bảo vệ, phù giúp.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn được bắt nguồn từ lòng hiếu thảo của con cháu. Quan hệ giữa bố mẹ đang sống với con cái là hiện thân của mối quan hệ giữa tổ tiên với con cháu sau này. Sự kính hiếu cha mẹ được tiếp nối bằng sự tôn thờ, sùng bái tổ tiên. Bổn phận kính trọng, báo hiếu, đền ơn công sinh thành dưỡng… dục của bố mẹ cũng là bổn phận báo hiếu, ơn đền tổ tiên. Thờ phụng tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo, sự thành kính biết ơn các bậc đã sinh thành, nuôi nấng và tác thành cho mình. Tuy nhiên, con cháu chỉ được tổ tiên bao dung, che chở khi sống xứng đáng với ước nguyện của tổ tiên. Mặt khác, con cháu chỉ tôn kính, qui thuận và thờ phụng tổ tiên khi tổ tiên xứng đáng là tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Nếu ai, trong quá khứ có hành động đi ngược lại lợi ích của cộng đồng họ tộc và gia đình, chẳng những không được kính trọng, tôn thờ mà còn bị nguyền rủa, trừng phạt.

Trên đây là những nguồn gốc xã hội, nhận thức và tâm lý của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Song để làm sáng tỏ vấn đề, cần thiết phải xem xét những đặc trưng chủ yếu nhất, tức là bản chất của nó.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cũng giống như các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo khác là sự phản ánh sai lệch hiện thực, là sự phản ánh hư ảo – vào trong đầu óc của con người – của những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ (2). Lực lượng xa lạ bên ngoài, ở đây là tổ tiên trong thế giới vô hình. Tổ tiên đã mất là đối tượng phản ánh nhằm đáp ứng, thoả mãn sự thiếu hụt tinh thần của những người đang sống. Tổ tiên khi còn sống. Tổ tiên kh còn sống thì “khôn”, đến lúc chết thì “thiêng”, vẫn ngự trên bàn thờ, vừa gần gũi vừa xa lạ, linh thiêng. Con cháu thành kính, tôn thờ tổ tiên là tỏ lòng biết ơn tổ tiên. Ý thức về tổ tiên là ý thức về cội nguồn. Thờ cúng tổ tiên là sự phản ánh liên tục của thời gian, là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Sự sống là bất diệt, chết không phải là hết. Các thế hệ tiếp nối nhau, chết chỉ là sự bắt đấu của chu kỳ sinh mới.

Tổ tiên được gắn cho sức mạnh siêu nhiên. Đó chính là sự thiêng liêng hoá, thần thánh hoá bắt nguồn từ quan niệm về sự bất diệt của linh hồn. Sự thiêng liêng hoá, thần thánh hoá tổ tiên là sự tưởng tượng, song lại có cội nguồn từ cuộc sống hiện thực. Ý thức về tổ tiên hình thành và tồn tại giúp con người vượt qua cái trần tục, đời thường, thúc đẩy sự tìm tòi, vượt qua trạng thái hiện tồn để hướng về phía trước, khắc phục sự hẫng hụt về tinh thần. Xét về mặt đạo đức, ý thức về tổ tiên mang giá trị nhân văn sâu sắc, nó phát khởi mối thiện tâm trong mỗi con người trong cộng đồng xã hội.

Ngoài biểu tượng về linh hồn tổ tiên, biểu tượng tổ tiên tôtem, biểu tượng về các thần che chở cũng là nội dung tư tưởng của ý thức về tổ tiên. Ý niệm về tổ tiên tôtem tạo cho người ta hình ảnh mơ hồ, xa lạ, linh thiêng của tổ tiên. Còn ý niệm về thần che chở tạo cho người ta cảm giác yên tâm.

Xét về mặt nhận thức luận, chủ thể nhận thức và phản ánh là người sống, khách thể được nhận thức và phản ánh là tổ tiên đã mất. Xét về mặt xã hội, đó là sự phản ánh hoang đường quyền hành của người gia trưởng, là kết quả tất yếu của quá trình phân hoá xã hội, từ chế độ mẫu quyền sang chế độ phụ quyền. Bản chất xã hội của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được thể hiện rõ nét trong nội dung, đối tượng và hình thức phản ánh, được qui định bởi các nguồn gốc xã hội, nhận thức và tâm lý của nó.

Đặc trưng chỉ nó nhất của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là ở chỗ, nó là một hình thái ý thức xã hội đặc biệt, một hiện tượng lịch sử – xã hội và văn hoá thuộc lĩnh vực đời sống tinh thần, là sự phản ảnh tồn tại xã hội, chịu sự qui định của tồn tại xã hội, có tính độc lập tương đối, được hình thành rất sớm và còn tồn tại lâu dài trong xã hội. Nguồn gốc và bản chất của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên gắn quyện vào nhau, tạo thành nét đặc thù của loại_hình tín ngưỡng này.

Như vậy, có thể nói, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một loại hình tín ngưỡng dân gian, gắn liền với tập tục văn hoá, đạo đức trên cơ sở của niềm tin cho rằng, tổ tiên đã chết sẽ che chở, phù giúp cho con cháu, là sự phản ánh hoang đường quyền hành của người gia trưởng và được thể hiện thông qua nghi lễ thờ cúng theo quan niệm, phong tục, tập quán của mỗi con người, của mỗi gia đình và mỗi cộng đồng xã hội.

(l) C. Mác và Ph.ăng ghen. Toàn tập, t.21. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.445.
(2) C.Mác và Ph.Ăng ghen. Sđd., t.20, tr.437.

Nguồn:Tạp chí Triết học
Trần Đăng Sinh
Giảng viên triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam

TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TỔ TIÊN Ở VIỆT NAM

I- Đặt vấn đề
1. Lí do chọn đề tài
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên hay Đạo Ông bà có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời ở nước ta. Cơ sở hình thành tín ngưỡng này là niềm tin rằng chết là về với tổ tiên nơi chín suối nhưng ông bà tổ tiên vẫn thường xuyên đi về thăm nom, phù hộ cho con cháu .Tín ngưỡng này có mặt ở nhiều dân tộc Đông Nam Á nhưng theo quan sát của nhiều nhà dân tộc học thì nó phổ biến và phát triển hơn cả ở người Việt, nó gần như trở thành một thứ tôn giáo, ngay cả những gia đình không tin thần thánh cũng đặt bàn thờ tổ tiên trong nhà.
Cùng với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, các hình thức nghi lễ thờ cúng và các dạng sinh hoạt tín ngưỡng khác có liên quan cũng được phát triển và góp phần tạo nên tính đa dạng của văn hóa Việt Nam. Chính vì thế, nghiên cứu tín ngưỡng dân gian nói chung, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nói riêng trên tất cả các mặt biểu hiện của nó không chỉ phác họa nên đời sống tín ngưỡng mà còn bổ sung tư liệu cho việc nhận thức về bản chất và sắc thái đa dạng của đời sống tâm linh người Việt.
Từ những ý nghĩa trên, chúng tôi chọn đề tài “Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam” với mong muốn góp phần làm sáng tỏ vấn đề liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong dòng chảy tín ngưỡng dân gian của Viêt Nam. Đồng thời, bổ sung thêm một số tư liệu bằng tiếng pháp liên quan đến tín ngưỡng độc đáo này.
2. Phương pháp nghiên cứu và nguồn tư liệu
– Phương pháp nghiên cứu: Thu thập tài liệu, quan sát thực tế đời sống, dịch từ tiếng việt sang tiếng pháp
– Nguồn tư liệu: Cơ sở văn hóa Việt Nam (Trần Ngọc Thêm, 2005, Nhà xuất bản giáo dục), Tiếp cận tín ngưỡng dân dã Việt Nam (Nguyễn Minh San, 1998, Nhà xuất bản văn hóa dân tộc), Đất lề quê thói (Nhất Thanh (Vũ Văn Khiếu),2001, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin), Văn hóa phong tục (Hoàng Quốc Hải, 2005, Nhà xuất bản phụ nữ), Le culte des ancêtres dans la famille vietnamienne (Florence (Nguyễn- Rounaul, 2001, Hommes et Migrations)…
3. Câu hỏi nghiên cứu:
– Bản chất của những mối liên hệ làm nên một trong những hình thức sống động nhất trong đời sống tâm linh người Việt là gì ?
– “Tôn giáo” về những người chết ấy dựa trên nền tảng nào?
– Cách biểu hiện nghi thức và thực hành nó ra sao?
– Từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ta có thể nhận ra bài học luân lí và triết học gì?
II- Nội dung tóm tắt các chương chính của nghiên cứu khoa học
Chương I. Giới thiệu chung
Ở chương này chúng tôi giới thiệu về một vài khái niệm liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Trước hết là quan niệm của người Việt về linh hồn. trong con người có cái vật chất và cái tinh thần. Cái tinh thần trừu tượng, khó nắm bắt nên người xưa đã thần thánh hóa nó thành khái niệm « linh hồn » và « linh hồn trở thành đầu mối của tín ngưỡng.
Tổ tiên là khái niệm dùng để chỉ những người có cùng huyết thống nhưng đã mất, những người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng và có ảnh hưởng lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của thế hệ người đang sống. Trong quá trình phát triển của lịch sử, khái niệm tổ tiên không còn chỉ bó hẹp trong phạm vi truyền thống gia đình, họ tộc mà đã mở rộng ra phạm vi cộng đồng, xã hội.
Thờ là yếu tố thuộc ý thức về tổ tiên, là tình cảm biết ơn, tưởng nhớ, hướng về cội nguồn, quá khứ. Cúng là yếu tố mang tính nghi lễ, là sự thực hành một loạt động tác (khấn, vái, quì, lạy) của người gia trưởng, tộc trưởng. Đó là hoạt động dưới dạng hành lễ và được qui định bởi quan niệm, phong tục, tập quán của mỗi cộng đồng, dân tộc. Thờ và cúng là hai yếu tố có tác động qua lại và tạo nên chỉnh thể riêng biệt – đó là sự thờ phụng tổ tiên .
Chương II. Nguồn gốc của ngưỡng thờ cúng tổ tiên
Nguồn gốc của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trước hết phải đề cập đến chế độ phụ quyền. Khi bước vào chế độ phụ quyền, vai trò của người đàn ông trở nên quan trọng trong họat động kinh tế và sinh họat của gia đình. Con cái mang họ cha và con trai kế tiếp ý thức về uy quyền trong gia đình của mình. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên bắt nguồn từ đấy..
Không chỉ chịu ảnh hưởng từ chế độ phụ quyền, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn chịu ảnh hưởng từ ba dòng tôn giáo chính ở Việt Nam. Đó là:
– Nho giáo: Theo như Khổng Tử, sự sống của con người không phải do tạo hóa sinh ra càng không phải do bản thân tự tạo ra mà nhờ cha mẹ, sự sống của cha mẹ lại gắn với ông bà và cứ như vậy thế hệ sau kế tiếp thế hệ trước, vì thế mà thế hệ sau phải biết ơn thế hệ trước. Cùng với tư tưởng tôn quân, quyền huynh thế phụ đã
củng cố thêm tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở nước ta ngày một thể chế hóa.
– Đạo giáo: Nếu như Khổng giáo đặt nền tảng lý luận về đạo đức, về trật tự kỉ cương xã hội cho tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt thì Đạo giáo góp phần củng cố niềm tin vào sự tồn tại và năng lực siêu nhiên của linh hồn những người đã chết thông qua một số nghi lễ thờ cúng như: gọi hồn, bùa chú, ma chay, tang lễ, mồ mả và đốt vàng mã.
– Phật giáo: Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đến sự giữ gìn và phát triển tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam trước hết là quan niệm của Phật giáo về cái chết, kiếp luân hồi và nghiệp báo. Những tư tưởng cơ bản của Phật giáo có ảnh hưởng lớn lao đến sự phát triển của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên người Việt nhưng không vì thế mà có sự sao chép y nguyên. Người Việt Nam quan niệm rằng cha mẹ tổ tiên luôn lo lắng, quan tâm cho con cái ngay cả khi họ đã chết. Người sống chăm lo đến linh hồn người chết, vong hồn người chết sẽ quan tâm đến sự sống của người đang sống.
Chương III: Nghi lễ thờ cúng tổ tiên
Không gian thờ cúng tổ tiên bao giờ cũng là nơi sạch sẽ và trang trọng nhất của ngôi nhà. Bàn thờ tổ tiên lúc nào cũng đặt ở nơi cao ráo và phần lớn quay về hướng Nam với hàm ý con cháu tôn vinh bậc hiền tài theo tinh thần “Thánh nhân nam diện thính nhân thiên hạ”.
Theo quan niệm của người xưa, bàn thờ là biểu tượng của bầu trời tinh khiết. Ở hai góc ngoài có hai cây đèn hoặc nến tượng trưng cho mặt trời (phía bên trái bàn thờ) và mặt trăng (bên phải bàn thờ). Bát hương ở giữa biểu hiện cho vì tinh tú. Đèn hương đóng vai trò rất quan trọng vì đó là cầu nối duy nhất giữa con người và thần linh. Con người nhờ hương khói để truyền ước vọng của mình lên các đấng thiêng thiêng ở trên trời.Ngoài bàn thờ thông thường còn có bàn thờ vọng, là một loại bàn thờ mà người sống xa quê ít có điều kiện về nhà con trưởng lập nên.
Nghi lễ thờ cúng từ xưa đến nay đều được thực hiện theo một số nguyên tắc nhất định:
Khi trong gia đình có người qua đời. lễ tang đươc tổ chức rất trịnh trọng theo những nghi lễ như: Mộc dục (tắm rửa cho người chết), lễ Phạn hàm (đặt tiền và gạo vào miệng người chết), lễ Nhập quan, lễ Thiết linh (đặt bàn thờ tang), lễ Phát dẫn (lễ đưa tang), lễ An táng (hạ huyệt), lễ Tế ngu (nghi lễ được thực hiện sau ba ngày chôn cất, con cháu đến mộ để sửa sang mộ phần và sửa soạn cỗ bàn để tiếp đãi họ hàng thân thuộc, khách khứa đến dự). Ngoài ra, còn có lễ Chung thất (49 ngày) (ngày đưa linh hồn người chết lên nương nhờ cửa Phật). Khi người chết đã được 100 ngày là đến tuần tốt khốc, con cháu làm lễ cúng và cỗ bàn mời họ hàng. Sau lễ 100 ngày, con cháu lấy ngày chết làm ngày giỗ.
Trong tục thờ cúng tổ tiên, người Việt coi trọng việc cúng giỗ vào ngày mất (lễ Đàm tường). Họ tin rằng đấy là ngày con người đi vào cõi vĩnh hằng. Không chỉ ngày giỗ, việc cúng tổ tiên còn được thực hiện đều đặn vào các ngày mùng một, ngày rằm và các dịp lễ tết khác trong năm như: Tết Nguyên Đán, tết Thanh minh, tết Thượng nguyên…Những khi trong nhà có việc quan trọng như dựng vợ, gả chồng, sinh con, làm nhà, đi xa, thi cử… người Việt cũng dâng hương làm lễ cúng tổ tiên để báo cáo và để cầu tổ tiên phù hộ hay tạ ơn.
Đây là một lễ vô cùng quan trọng bởi nhớ đến ông bà tổ tiên là đã thể hiện lòng thành kính với vong linh người đã khuất, không phụ thuộc vào việc làm giỗ lớn hay nhỏ. Chỉ với chén nước, quả trứng nén hương cũng giữ được đạo hiếu.
Chương IV: Nghi lễ thờ cúng tổ tiên trong đời sống tinh thần người Việt
Thông qua nghi lễ thờ cúng , người Việt gửi gắm tính cảm biết ơn đối với tổ tiên, “ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Trong mỗi gia đình tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên dần dần trở thành đạo lý uống nước nhớ nguồn, thành “đạo hiếu”. Đạo hiếu là cái gốc của mỗi người. Lòng hiếu thảo là giá trị đạo đức quý báu trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam. Cùng với sự thể hiện đạo hiếu với tổ tiên, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn là sợi dây liên kết giữa những con người trong cuộc sống hiện tại. Từ lòng nhân ái, tính cộng đồng được xây dựng, củng cố cũng là những giá trị đạo đức đáng trọng không thể thiếu trong đời sống xã hội của mỗi người.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực không thể phủ nhận được của văn hóa tâm linh trong đời sống cộng đồng ,vẫn còn tồn tại những nghịch lí. Những nghịch lí ấy xuất phát từ chính quan niệm “ trần sao âm vậy” vì thế mà nhiều người đã suy bụng ta ra bụng thần, áp đặt cách ứng xử nhuốm màu tiêu cực vào chốn thiêng liêng. Hậu quả nguy hại nhất là làm gia tăng tình trang mê tín dị đoan, lối suy nghĩ và cách hành xử tiêu cực, chạy theo các giá trị vật chất hiện sinh, cách ứng xử gian dối, phủ nhận khoa học, coi thường lao động, sự trung thực và những giá trị chân chính của cuộc sống.
III- Kết luận
Thờ cúng tổ tiên của người Việt vừa là vô thức, vừa là tiềm thức và ý thức của mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Nó không phải là một tín ngưỡng hay một đạo lý bị áp đặt. Nó chính là một nét văn hóa tâm linh vừa mang tính bản địa vừa mang tính nhân loại di truyền từ đời này sang đời khác. Việc thờ cúng tổ tiên có thể coi như một thứ “gen” văn hóa tinh thần của người Việt.

Phạm Minh Trang – 09 F4
Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp
GV hướng dẫn: ThS. Ngô Hoàng Vĩnh