Bắt đầu từ khi xã hội Việt Nam chuyển từ mẫu hệ sang phụ hệ, vai trò người đàn ông trở nên quan trọng trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội và sinh hoạt gia đình. Vợ và các con họ phải tuyệt đối phục tùng tôn trọng cái quyền được xác lập ấy của mỗi gia đình phụ quyền. Những đứa con trai mang dòng họ cha, kế tiếp ý thức về uy quyền trong mỗi gia đình của mình. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được xác lập theo dòng họ cha bắt đầu hình thành. Việc nuôi nấng chăm sóc con cái rất vất vả, dân gian ta có câu “ Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng biển”, đó không chỉ ở ý nghĩa thiêng liêng cha mẹ sinh thành, mà còn nói đến công dưỡng dục. Chính vì những lý do nói trên, mà người Việt, đối với cha mẹ một lòng tôn kính khi sống, thờ cúng và tưởng nhớ khi chết. Cứ như thế, đời này sang đời khác, cha mẹ đối với ông bà, con đối với cha mẹ, kế tiếp nhau thành tín ngưỡng thờ cúng cha mẹ, ông bà Tổ tiên.
Bên cạnh đó là sự tiếp thu Nho giáo trong việc đề cao chữ hiếu nghĩa với tư tưởng cơ bản là rất mực tôn quân, đề cao chế độ phong kiến quan liêu tập quyền. Để đảm bảo cho chế độ truyền tử, ngôi vua chỉ truyền cho con trai trưởng, Nho giáo đề cao gia đình “ quyền huynh thế phụ”, người con trai cả kế nghiệp vua, thừa kế gia sản, thờ cúng Tổ tiên, đề cao hiếu nghĩa “Trung chi quân, hiếu chi phụ mẫu, dữ chi bản” có nghĩa là “ Trung với vua, hiếu với cha mẹ là cùng một gốc vậy”. Người Việt tiếp thu tư tưởng Nho giáo chủ yếu để xây dựng chế độ phong kiến, vào những giai đoạn hưng thịnh, tư tưởng Nho giáo đã có nhiều đóng góp tích cực đối với nhà nước phong kiến thể hiện ở các quy định để thể chế hóa tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.
Ngoài ra, một số nhà khoa học cho rằng tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên ở Việt Nam là tiếp nối tín ngưỡng Tô tem giáo. Tô tem giáo gắn liền với tổ chức thị tộc. Mỗi tổ chức thị tộc có những hình thức thờ cúng riêng, trong khuôn khổ các tập tục thờ cúng vật thiêng của Tổ tiên. Họ cho rằng người chết chỉ là chết ở trần thế, còn linh hồn vẫn tiếp tục “sống” ở nơi chín suối, ở thế giới bên kia, linh hồn người chết vẫn có “ nhu cầu sinh hoạt” như người sống. Vì thế, người ta chôn theo người chết những đồ tùy táng, người ta phân chia các đồ dùng sinh hoạt cá nhân cho người chết.
Ngày nay, mỗi khi cúng lễ cầu khấn người ta đốt đồ vàng mã, tiền âm phủ, các đồ bằng giấy như ti vi, ô tô, xe máy… cho người chết mang theo. Mối liên quan giữa người sống và người chết được tiếp tục duy trì, nhất là đối với ông bà cha mẹ qua đời, thì việc thờ cúng dần trở thành một tín ngưỡng, đó chính là tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên tại nhà.
Việc thờ cúng Tổ tiên, ông bà cũng như cha mẹ và người thân trong nhà, trong họ được mọi người chú ý. Mọi người cũng xác định quan hệ họ tộc là mật thiết. Có Tổ tiên mới có ông bà, ông bà sinh ra cha mẹ và cha mẹ sinh thành ra mình. Công sinh thành dưỡng dục lớn lao không kể xiết, mà dân gian đã đúc kết thành lời ru:
“ Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Vì thế, khi cha mẹ qua đời con cháu phải lo tang ma chu đáo. Đây là một điều lễ nghĩa hợp theo lẽ trời, một phép tắc của con người. Thánh nhân đã dạy “ Việc lễ cốt lấy chữ hòa làm quý” và đạo làm con phải giữ được điều này, tránh xảy ra việc bất hòa. Xưa đã có nhiều người vì quá nặng chữ hiếu nên sau khi tang ma gia đình khánh kiệt. Nhiều quan lại có việc đại tang phải cáo quan về nhà phục tang ba năm, sau đó mới tiếp tục ra làm quan khiến sản nghiệp cũng như sự nghiệp bị giảm sút, thậm chí bị thất cơ lỡ vận. Ngày nay, trong việc tang ma, chế độ phục tang đã cải tiến cho hợp thời, tránh được những lễ phục phiền hà không cần thiết. Nhưng việc thờ cúng, lập bàn thờ Tổ tiên, ban thờ người mới mất để giữ lấy “đức nghĩa” của đạo làm người, đạo làm con vẫn được lưu giữ và bảo tồn.
Ở Việt Nam, một số người theo đạo Thiên Chúa không thiết lập ban thở Tổ tiên như bên lương, nhưng các ngày kỷ niệm họ đến trước ban thờ Chúa cầu nguyện cho Tổ tiên mình. Gần đây, giáo dân cũng có sự hòa nhập với lương dân, có nơi đã lập ban thờ Tổ tiên, thậm chí còn đi lễ chùa, lễ đền như bên lương.
Đây là điều chứng minh sự tôn trọng cội nguồn dân tộc, tín ngưỡng, đạo giáo nào cũng không thể làm mất đi bản chất, đạo lý của dân tộc. Có người quan niệm Tổ tiên về cõi vô hình, nhưng linh hồn không thể mất, vẫn có thể lui tới ban thờ chứng kiến việc làm ăn của con cháu, chứng giám tấm lòng thành của con cháu trong các ngày kỵ nhật, lễ tiết hàng năm. Người Việt cổ còn cho rằng “ trần sao âm vậy”. Lúc ở trần gian ưa thích gì thì khi về cõi âm cũng cần các thứ đó, nghĩa là cần quần áo, tiền để tiêu pha như khi sống. Phải chăng bởi quan niệm này mà thường nhật, trước ban thờ Gia tiên nếp sống trong gia đình bớt đi những ngôn ngữ thô tục, những việc làm không tốt động chạm tới vong hồn cha mẹ, ông bà Tổ tiên. Có nghĩa là phải sống có đạo lý, hòa hiếu để đẹp lòng người đã khuất, phải chăm chỉ làm mọi việc cho công thành danh toại để đẹp lòng, đẹp ý ông bà, cha mẹ và làm rạng rỡ Tổ tiên. Cũng có người cho rằng chết là hết, lập ban thờ để tưởng niệm, nhưng nghi thức cúng lễ vẫn đảm bảo theo phong tục, hòa nhập với làng xã là được. Tuy nhiên, lại có ít số người không lập ban thờ tại gia, cho việc khi chết thì theo về với Tổ tiên, chỉ cúng ở Từ đường dòng họ.
Ngày nay, trong xã hội hiện đại, mọi khuynh hướng đều khó có thể tranh cãi, song với bản chất dân tộc bởi đạo lý nên mọi gia chủ mỗi khi trong gia đình có công to việc lớn, mỗi khi sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt thành đạt thì đều sửa lễ cáo yết với Gia thần, Gia tiên. Hoặc cũng có gia chủ khi trong gia đình có điều trắc trở như ốm đau, chơi bời quá độ, hoặc bị kẻ khác gây rối… đều sửa lễ cáo yết với Tổ tiên, mong Gia thần, Gia tiên âm phù cho tai qua nạn khỏi. Những việc làm trên đây là nét đẹp về đạo lý, về tâm tư tình cảm của người đang sống với người đã chết, họ mong muốn người thân “bất tử”, thể xác không còn nhưng linh hồn không thể mất, tồn tại và mãi mãi tồn tại để dìu dắt con cháu, che chở cho con cháu cho dòng họ nối tiếp phát triển.
Việc thờ cúng Tổ tiên có ý nghĩa vô cùng quan trọng đó là giữ đạo làm người, “uống nước nhớ nguồn” cốt ở tâm thành, không phải câu nệ, có thì làm nhiều, không có thì làm ít, miễn sao cho tinh khiết, thành tâm. Nhưng nếu biết nghi thức cúng lễ sẽ làm cho ngày kỷ niệm thêm phần trịnh trọng, thiêng liêng, nếu có Gia thần, Gia tiên chứng giám sẽ hài lòng hơn.
Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên đã trở thành một trong những nét văn hóa đặc thù của dân tộc Việt Nam, trong quá trình hình thành và phát triển nó đã góp phần tạo ra những giá trị đạo đức truyền thống cao cả như lòng hiếu thảo, lòng nhân ái, tính cộng đồng, tính cần cù, sáng tạo, lòng hiếu học và lòng yêu nước sâu sắc. Đó là những giá trị hết sức quý báu mà mỗi chúng ta cần nghiên cứu, khai thác để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày một phồn vinh.
thocung.net-theo Nghi lễ thờ cúng tại nhà (Nguyễn Quốc Thái biên soạn)